hỏi khó #4: mình có quá trẻ, hoặc quá già để làm những điều này?
với câu trả lời chắc nịch từ Phineas & Ferb: ừ, có ạ. và mình làm thôi.
/“hỏi khó” là chuỗi bài viết về (1) những câu hỏi khó-trả-lời & (2) những câu hỏi khó-nói-ra. mình mong chuỗi bài này sẽ trở thành một chiếc nam châm, giúp mình tiếp tục được gặp và thảo luận về nhiều câu hỏi thú vị hơn trong đời. :>
mở bài:
chào cả nhà, tuần này của mọi người ổn chứ? mình thì chắc chắn là không =)) việc mình vẫn còn ngồi đây viết những dòng này khiến tất cả mọi người xung quanh ngạc nhiên, bao gồm cả mình.
giới hạn của loài người là một điều rất khó hiểu.
và nhắc đến giới hạn của loài người, bạn có từng xem một bộ phim hoạt hình của Disney tên là Phineas & Ferb chứ?
cho những bạn chưa từng xem — đây là một trong những bộ phim hoạt hình yêu thích nhất của mình!
Phineas & Ferb — tên bộ phim hoạt hình cũng là tên của hai nhân vật chính. bộ phim kể về hai nhóc tì khoảng 10 tuổi, trong một một hè dài, mỗi ngày đều nghĩ ra một “siêu ý tưởng”: xây một tàu lượn siêu tốc, tổ chức đại nhạc hội v.v…
trong lúc đó, cô chị gái — Candace — luôn mong muốn bắt quả tang và mách mẹ hai câu em này, nhưng lại chưa từng thành công. trong phim còn nhiều tuyến nhân vật khác đầy thú vị như một điệp viên thú mỏ vịt Perry và kẻ xấu Dr. Doofenshmirtz, chuyện tình iu gà bông của các nhóc tì…
có một câu thoại trong bộ phim hoạt hình mà mình rất ấn tượng, cũng là cảm hứng cho bài viết này:
“Aren’t you a bit young to…” — said an expert. “Yes. Yes we are” — said Phineas.
, mà mình tạm dịch là:
”này, mấy đứa có phải hơi trẻ để làm này làm kia không?” “Vâng, đúng là vậy ạ.”
thân bài:
một nhỏ, có hay không một độ tuổi giới hạn để làm một điều gì đó?
dưới khía cạnh khoa học về việc học (learning science), có những giai đoạn được xem là “nhạy cảm” (sensitive periods) để làm một điều gì đó. ví dụ, từ 3 tháng đến 6 tuổi là thời điểm lý tưởng để phát triển ngôn ngữ theo nghiên cứu của các phương pháp giáo dục như Montessori.
nhưng nhạy cảm không có nghĩa là giới hạn.
tính mềm dẻo (neuroplasticity) tuyệt vời của não bộ loài người cho phép chúng mình học hỏi, thích nghi và làm một thứ kể cả khi chúng mình đã vượt qua giai đoạn nhạy cảm.
một người ở tuổi 60 vẫn có thể học ngoại ngữ thành thạo hoặc chơi một môn thể thao mạo hiểm như một người ở tuổi 20 — chỉ là, cách tiếp cận việc học và việc làm điều đó cần được điều chỉnh phù hợp với nền tảng phát triển sẵn có.
và dường như, sự phát triển của xã hội, công nghệ, dinh dưỡng và y học hiện đại khiến khái niệm “độ tuổi” càng lúc càng khó để đo lường chính xác. nhiều khái niệm mới được “chẻ” ra từ độ tuổi thông thường (choronological age), như “độ tuổi tâm lý” (mental age), “độ tuổi sinh học” (biological age), “độ tuổi não bộ” (brain age) — và được điều chỉnh bởi những yếu tố tác động rõ rệt.
29 năm có mặt trong cuộc đời — mình có kết quả đánh giá tuổi sinh học là 26 theo BMI (trộm vía?), tuổi tâm lý là 54 (trộm vía?) — thế giờ mình tính tuổi mình kiểu gì?
có lẽ, độ tuổi lý tưởng để làm một điều gì đó chỉ còn tồn tại như một giới hạn của xã hội và pháp lý. 18 để kết hôn, 16 để chịu trách nhiệm hình sự, 65 để nhận lương hưu.
và dù chậm, các ranh giới này vẫn đang thay đổi.
ngày trước, trở thành quản lý ở tuổi 30 là quá trẻ. ngày nay, không thiếu những tổ chức cho phép một nhân viên nắm giữ chức danh quản lý ngay cả khi bạn là sinh viên vừa tốt nghiệp — miễn là làm được. giới hạn độ tuổi — dường như càng lúc càng mong manh.
hai nhỏ, độ tuổi có nên là yếu tố duy nhất để quyết định làm điều gì đó?
câu trả lời chắc chắn là — tùy.
nếu điều bạn muốn làm được ràng buộc bởi các yếu tố ngoại cảnh như quy định của xã hội, văn hóa, ngành nghề hoặc môi trường sống, rất khó để chúng mình có thể “đi ngược dòng”. và rất nhiều khi — câu chuyện của Phineas & Ferb chỉ có thể dừng lại ở phim ảnh.
nhưng trong hầu hết mọi trường hợp, yếu tố bên trong bạn chắc hẳn nên là thứ được ưu tiên.
trong hơn 180 phút lướt Tiktok mỗi ngày, mình vẫn luôn ấn tượng với câu chuyện của Max với câu thủ thỉ “con muốn làm ra những chiếc váy thật đẹp” vào năm 4 tuổi. chỉ 4 năm sau, em bắt đầu có sàn diễn thời trang của riêng mình.
mình vẫn luôn thấy may mắn vì được gặp những “Founder” tuổi 16, tuổi 22, tuổi 25 và thậm chí là tuổi 55 — nhiều năng lượng, tràn đầy ý tưởng, chưa từng xem tuổi tác là một rào cả.
mình vẫn luôn thấy may mắn vì từng gặp những giáo sư 77 tuổi nhoáy thao tác trên Zoom và học code ăn đứt chúng mình ở tuổi 20.
và mình biết — những ví dụ kể trên phần nhiều sẽ nằm ngoài “dữ liệu mẫu” (pattern data) của xã hội, mình vẫn mong chúng mình đủ dũng cảm để theo đuổi những câu chuyện “ngoại lệ” của riêng mình.
ba nhỏ, đây đôi khi còn là một câu khó hỏi.
mình từng hỏi — nhiều lần: “em có nghĩ là mình còn quá trẻ để làm điều này không?, và nếu có, em nghĩ sao về việc tìm kiếm sự giúp đỡ” và nhận được câu trả lời là: “em có, nhưng em cảm thấy việc mở lời xin giúp đỡ thiệt không dễ dàng.”
điều tương tự cũng xảy ra — với người lớn.
những lần nhìn thấy sự chần chừ này khiến mình nhận ra là: câu hỏi này nên được hỏi nhiều hơn.
như một lời tìm kiếm sự giúp đỡ.
như một lời mời gọi sự công nhận.
như một cánh tay nối dài giữa các thế hệ, hơn là làm chúng ta xa nhau.
kết bài:
mình viết những dòng này khi đã thôi không còn nghĩ về độ tuổi của mình khi học một điều mới, dùng hai từ “tẻn tẻn” để mô tả về bản thân...
mình tập không để tuổi tác ngăn cản mình, nhưng mình cũng không để tuổi tác trở thành lý do khuyến khích mình làm mọi thứ.
“29 — sắp 30 rồi, phải làm điều này thôi”, kiểu kiểu vậy. :>
điều tuyệt vời nhất mà mình bắt đầu tận hưởng vào những ngày cuối 2022 là quá trình phân tích yếu tố ngoại cảnh, nhìn sâu vào mong muốn của bản thân mình khi đưa ra quyết định, và ngắm nhìn dòng chảy suy nghĩ của mình trong những khoảnh khắc ấy.
mình chúc bạn cũng tự tin trả lời như Phineas và Ferb khi gặp câu hỏi này: “đúng - đúng vậy ạ.” — và vẫn tiếp tục làm điều đó — với sự rõ ràng, và dũng cảm.
“mình có quá trẻ, hoặc quá già để làm những điều này?” là 1,950 từ của tuần 38 viết đều và (tập tành) viết hay của 2024. (tập tành) viết hay của 2024.
từ tuần này, bài viết thuộc thử thách Viết Tiếp Sức từ #wotnalumni.
nếu bạn muốn đọc 33+ bài viết còn lại, các cháu ở đây: www.gowiththeflaws.com/nếu bạn đã đọc đến đây - cảm ơn bạn - và mình chúc bạn một ngày thật hiền :>
Bài viết rất "chạm" ạ. Có vài lúc em thấy hơi cô đơn khi một mình nhỏ tuổi, loi choi vào cộng đồng toàn những người lớn. Nhưng, em vẫn cố gắng vượt qua giai đoạn đầu vì tin là điều mình cần đạt được vẫn đang chờ ở phía trước.
Dần dần, em cũng bớt đắn đo kiểu thế, vì càng ngày càng thấy, nhiều bạn bằng tuổi mình và nhỏ hơn, rất năng động và không hề ngại thử.