vườn-case🌿#1: học gì từ những câu hỏi?
từ vị trí của một người từng tham gia rất nhiều cuộc thi giải case.
chào cả nhà, tuần này của bạn ổn chứ? :>
mình đã quay lại với một bài nặng hơn về phân tích. mình tưởng viết bài này sẽ nhanh, ai dè lâu ghia. nhưng trộm vía, mình nghĩ bài này có thể là khởi đầu của một series mới:
“vườn-case” — chơi chữ từ vườn cây 🌿 — là chuỗi bài viết nơi mình muốn vun trồng lại những gì mình đã học được từ các cuộc thi giải case. đôi khi là với tư cách thí sinh, đôi khi là người tổ chức, hoặc chỉ đơn giản là người ngồi dưới xem và nghĩ ngợi.
lý do mình muốn bắt đầu series này là vì cách đây vài tuần, mình có theo dõi chung kết của một cuộc thi giải quyết tình huống kinh doanh (business case competition), và có chút bồi hồi về những năm tháng sinh viên.
hồi đó — mình học trái ngành, nhưng rất-rất-rất-thích tham gia các cuộc thi, trong đó có các cuộc thi business case này. với mình, mỗi cuộc thi là một cơ hội tuyệt vời để học thật nhanh về một chủ đề mới nhờ rất nhiều ‘cú hích’ về động lực: giải thưởng, deadline, và cả những người đồng đội đua-deadline-kịch-trần.
bài viết này — series này — vì vậy, cũng là một lá thư gửi mình của những ngày xưa cũ — và cả bạn, nếu bạn vừa chớm gia nhập ‘hệ-giải-case’.
nhưng trước khi bắt đầu chủ đề hôm nay, mình ‘ôn lại’ chút bài cũ để nắm bối cảnh nhỉ:
🌟business case competition là gì?
trong một môi trường giả định, bạn sẽ vào vai một ‘nhà tư vấn chiến lược’ và được nhận một đề bài với những thông tin, số liệu kinh doanh từ một doanh nghiệp (case).
sau đó, trong một thời gian giới hạn, bạn sẽ được yêu cầu nộp bài giải quyết đề bài. mỗi cuộc thi có ‘phong cách’ nộp bài khác nhau, có thể là thuyết trình ngắn, có hoặc không có slide.
trong các nguồn tham khảo bên dưới, bạn có thể tìm thấy tên và thời gian tổ chức của các cuộc thi nổi tiếng trên thế giới. tại Việt Nam, một vài cuộc thi nổi tiếng có thể kể đến như:
HSBC Business Case Competition
RMIT Vietnam Business Case Club
P&G CEO Challenge
Unilever Future Leaders League
Doanh Nhân Tập Sự (tổ chức bởi Câu Lạc Bộ Action Club từ trường ĐH Ngoại Thương TP. HCM)
Ứng Viên Tài Năng (tổ chức bởi Câu Lạc Bộ HRC từ trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội)
mỗi cuộc thi có một hình thức tổ chức riêng, nhưng vẫn sẽ đều xoay quanh việc: áp lực thời gian + thách thức kinh doanh khó nhằn + thách thức khả năng làm việc nhóm.
🌟 các dạng case thường gặp:
có nhiều cách phân tách các dạng case khác nhau, mình thường chỉ áp dụng cách đơn giản nhất — là chia các case theo 2 trục: (1) mục tiêu của đề bài, và (2) lĩnh vực tập trung (focused business domain).
ở trục mục tiêu của đề bài sẽ gồm 3 dạng nhỏ:
1. problem solving — giải quyết vấn đề
— bài toán cung cấp bối cảnh và các vấn đề nổi cộm. mình cần tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục.2. option selection / prioritization — lựa chọn phương án
— bài toán cung cấp bối cảnh, vấn đề và một số giải pháp cân nhắc. mình cần phân tích sâu hơn về các giải pháp và chứng minh tính hợp lý của giái pháp.3. idea generation — cung cấp & thực thi ý tưởng
— gần giống như dạng 1, nhưng các cuộc thi ở dạng này sẽ chú trọng hơn về đánh giá các ý tưởng. một số cuộc thi cũng sẽ yêu cầu ý tưởng được thử nghiệm trong thực tế để đánh giá độ hiệu quả.
trục mục tiêu có thể được lồng ghép với trục lĩnh vực như marketing, HR, sustainability, tech, operations... tạo ra vô vàn tổ hợp đề khác nhau.
không khó để bạn có thể tìm được các bài viết và cộng đồng về ‘học giải case’ tại Việt Nam — với những nguyên tắc như MECE, ‘hypothesis driven thinking’… nên mình mong được chọn khai thác thêm một góc nhìn khác:
🌟 học từ những câu hỏi của Ban Giám Khảo (BGK)
sau khi xem hơn 180 giờ chung kết các cuộc thi [yes…] , mình nhận ra các câu hỏi của BGK tiết lộ rất nhiều về góc nhìn của BGK với bài làm của đội thi.
sau khi nghĩ nghĩ, mình xin được mạnh dạn đề xuất ‘lược đồ logic’ sau để phân tích:
có nghĩa là, sau khi xem phần trình bày hoặc bài giải, BGK sẽ đánh giá: (1) mức độ bạn hiểu đúng đề (on-brief), và (2) mức độ chi tiết trong bài làm để đưa ra các câu hỏi phù hợp, giúp BGK nắm thông tin tốt hơn để điền vào rubrics (bảng tiêu chí chấm điểm).
sự kết hợp này sẽ tạo ra thành 4 nhóm câu hỏi khác nhau, gồm:
👉 nhóm (1): lạc đề & sơ sài. các câu hỏi của Ban Giám Khảo sẽ có thiên hướng kiểm tra lại mức độ hiểu đề, hoặc… mở rộng ra ngoài đề luôn, ví dụ:
các giả định ban đầu của bạn khi lên giải pháp này là gì? đây là dữ liệu đề bài cung cấp hay cảm nhận cá nhân?
nếu giả định của bạn sai thì sao? bạn sẽ có dự phòng gì để xử lý? có kịch bản thay thế hoặc cách kiểm chứng nào không?
nhóm khách hàng bạn chọn có quá hẹp so với đề bài không? hay ngược lại, quá rộng để có thể phục vụ hiệu quả?
mức độ tự tin của bạn đối với bài làm này? nếu được làm lại bài này, bạn sẽ thay đổi điều gì? [tips: đây có thể là câu.. vớt điểm :D trả lời câu trả tốt cho thấy khả năng phản tư của bạn]
👉 nhóm (2): đúng đề & sơ sài. Ban Giám Khảo sẽ đặt các câu hỏi làm rõ hơn hoặc yêu cầu cụ thể hóa, ví dụ:
bạn có dùng mô hình A trong bài làm, bạn định nghĩa A hay có cách hiểu về A như thế nào? tại sao bạn lại sử dụng A trong tình huống này?
giả sử chiến lược bạn đưa ra được triển khai, bạn dựa vào những nguồn lực nào để thực hiện? thời gian là bao lâu?
nếu cần minh hoạ, bạn có thể đưa ra ví dụ cụ thể — như quy mô thử nghiệm, chỉ số đo lường, hay thời gian thực hiện không?
👉 nhóm (3): lạc đề & chi tiết. thường nằm ở những nhóm rất vững về chuyên môn, nhưng lại hiểu sai hoặc không dành thời gian đào sâu vấn đề. các câu hỏi của BGK có xu hướng tìm logic kết nối giữa các phần:
các đề xuất A, B, C của bạn liên kết như thế nào với vấn đề X, Y, Z?
các đề xuất A, B, C có khác biệt gì so với các đối thủ cùng ngành hoặc thị trường để tăng lợi thế cạnh tranh?
nếu phải rút gọn toàn bộ chiến lược thành một câu/ một phần, bạn sẽ giữ lại phần nào là “xương sống” của kế hoạch?
và cuối cùng 👉 nhóm (4): đúng đề & chi tiết — BGK có thiên hướng đặt các câu hỏi xác nhận để kiểm tra xem bạn có thật sự hiểu những gì mình vừa trình bày không, hay chỉ là… may mắn 🌟, ví dụ:
với các đề xuất này, bạn dự đoán các rủi ro sẽ gặp khi thực thi là gì?
với chiến lược này, em làm thế nào để em quản trị quá trình thực thi kế hoạch?
hiểu cách Ban Giám Khảo đặt câu hỏi cũng là một cách hay để mình luyện tập ngược: đặt câu hỏi cho chính bài làm của mình — và xem nó có “sống sót” được không. :)
trước khi khép lại chuyến tham quan “vườn-case số 1” hôm nay, mình muốn nhắn nhủ đến bạn hai điều:
một nhỏ, không có nhóm nào “xịn” hơn nhóm nào. việc bạn bị hỏi câu A thay vì câu B không phải là đánh giá về bạn, mà chỉ phản ánh việc bài làm của bạn đang nằm ở đâu trên bản đồ kỳ vọng của BGK.
hai nhỏ, nếu hôm nay bạn rơi vào nhóm 1 thì cũng… không sao cả. thi xong là xong. thi rớt cũng là dữ liệu. bạn vẫn có thể nảy mầm từ chính mảnh đất đó. it’s just a competition — chilled!
là một người từng đi thi nhiều (và rớt cũng nhiều!) — nhưng rất ít khi mệt về các cuộc thi. bí quyết của mình chỉ nằm ở một từ hai chữ “tận hưởng”. mình chưa bao giờ xem cuộc thi là cuộc đua (trừ Duolingo…), mà để…
tận hưởng những phút giây áp lực — để trái tim nói với mình rằng: mình đang sống.
tận hưởng những rối rắm, và cả niềm vui khi tìm thấy logic phía sau — để bộ não nói với mình rằng: mình đang học và trưởng thành.
tận hưởng những cảm giác bị hỏi xoáy — với thầm nghĩ “ê câu này hay nha” — để thế giới nói với mình rằng: những thứ mình làm được quan tâm lắm nhé, cố lên.
tận hưởng lên. heng.
nếu bạn có thêm câu hỏi nào — hoặc muốn mình viết thêm về chủ đề gì— cho mình biết ở phần comment nhé.
và cảm ơn bạn vì đã đọc tới đây.
chúc bạn một tuần thật hiền. mình mong là sẽ được gặp lại bạn vào tuần sau! ✨
bài viết có tham khảo từ một số nguồn sau.:
https://managementconsulted.com/case-competition/
https://www.hackingthecaseinterview.com/pages/case-competitions
https://www.linkedin.com/pulse/case-study-101-preparing-competitions-case-based-makenna-schumacher/
https://veinternational.org/wp-content/uploads/2021/01/2020-21-Business-Plan-Judge-Question-Bank.pdf
https://igotanoffer.com/blogs/mckinsey-case-interview-blog/case-interview-examples
https://www.myconsultingoffer.org/case-study-interview-prep/how-to-approach-case-study/
vườn-case🌿#1: học gì từ những câu hỏi? là 1,780 từ của tuần 64 viết đều và (tập tành) viết hay của 2024 và 2025.
bài viết thuộc thử thách Viết Tiếp Sức từ #wotnalumni.
nếu bạn muốn đọc 33+ bài viết còn lại, các cháu ở Substack này, và cả ở đây: www.gowiththeflaws.com/
Nếu bài viết này ra đời sớm hơn 2 năm thì có lẽ là em đã có thêm tư liệu hay để ôn thi giải case, và nhẹ nhàng hơn với bản thân (và cả teammate) sau khi thi xong ạ 🤧🥺 Jk huhu cảm ơn chị Hương vì 1 bài viết rất mindful như mọi khiii
bài viết mindful quá ạ, thanks chị sô muchhh